TQ đưa tên lửa đất đối không ra Hoàng Sa: Hơn cả một âm mưu!
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9
.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã liên tục thực hiện nhiều bước lấn chiếm trên Biển Đông .
Truyền thông quốc tế đều dự đoán sớm hay muộn các loại vũ khí hạng nặng sẽ xuất hiện trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng, cải tạo trái phép. Điều quan trọng chỉ là thời điểm nào và chủng loại nào?
Và thật sự điều này đã diễn ra, hãng tin Fox News (Mỹ) dẫn ảnh chụp từ vệ tinh cho biết Trung Quốc đã đưa hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng đây là "một nỗ lực dựng chuyện của một số hãng truyền thông phương Tây", các quan chức Mỹ và Đài Loan đã xác nhận sự hiện diện của 8 bệ phóng tên lửa HQ-9 trên hòn đảo này.
TQ đưa tên lửa đất đối không ra Hoàng Sa: Hơn cả một âm mưu!
Hình ảnh vệ tinh chụp các vị trí đặt tên lửa HQ-9 mà Trung Quốc triển khai trên bãi biển ở đảo Phú Lâm ngày 14-2 - Ảnh: ImageSat International
.
Những toan tính về thời điểm
Tận dụng ảnh hưởng to lớn về kinh tế, chính trị, quân sự, bất chấp nỗ lực kêu gọi “giữ nguyên hiện trạng” theo các thỏa thuận trước đó, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các động thái tăng cường lực lượng tàu hải quân và không quân hải quân.
Ngoài ra, nước này còn tiến hành cải tạo, mở rộng, xây dựng trái phép đường băng trên các đảo chiếm đóng.
Có thể nói về tiềm lực quân sự và cơ sở vật chất trên Biển Đông hiện nay, Trung Quốc hoàn toàn áp đảo các nước khác với một hệ thống tương đối đồng bộ gồm kho trạm, công sự, cầu cảng, đường băng…
Cơ sở vật chất như vậy đủ khả năng đảm bảo cho sự hoạt động và tồn tại của các hệ thống vũ khí phức tạp công nghệ cao.
TQ đưa tên lửa đất đối không ra Hoàng Sa: Hơn cả một âm mưu!
Trung Quốc chiếm đóng trái phép và quân sự hóa đảo Phú Lâm của Việt Nam thành một căn cứ lớn trên Biển Đông.
.
Cũng trong thời điểm này, tâm điểm của cả thế giới đang là cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS, bên cạnh đó là cuộc tranh giành ảnh hưởng của Nga, Mỹ và NATO ở Trung Đông.
Các động thái gia tăng của Trung Quốc ở thời điểm này sẽ ít bị thế giới phản ứng hơn.
Cần chú ý thêm một đặc điểm nữa, là ngay trước thời gian diễn ra các cuộc hội nghị quốc tế có liên quan tới Biển Đông, Trung Quốc thường gia tăng các hoạt động gây căng thẳng.
Tại thời điểm này là Hội nghị Mỹ - ASEAN đang diễn ra tại Mỹ mà Biển Đông là một chủ đề trọng tâm.
Các vụ tương tự là tàu thăm dò Viking II và Bình Minh 02 của Việt Nam bị tàu của Trung Quốc lao vào cắt cáp ngay trước và trong thời gian diễn ra Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 6/2011.
Hay việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13, tháng 5/2014.
Liệu có phải Trung Quốc muốn “thể hiện” và phải được nhắc đến trong các cuộc đàm phán với tư cách là một nước lớn?
Mục đích thật sự
Từ trước tới nay các nhà bình luận quân sự đều đánh giá không quân là lực lượng mang tính quyết định. Bên nào làm chủ được bầu trời thì bên đó sẽ chiếm ưu thế to lớn ở Biển Đông.
Nhưng Trung Quốc, với bất lợi về địa lý do cách xa các đảo chiếm giữ trái phép cộng với các máy bay chủ lực chiến đấu trên biển “made in China” JH-7, J-11 không được đánh giá cao, nên bị ở vào thế bất lợi.
Ngược lại, Việt Nam có địa hình trải dài với nhiều sân bay dọc đường di chuyển của máy bay hoặc tàu chiến Trung Quốc xuống Hoàng Sa và Trường Sa.
Cùng đó là sự tăng cường nhanh chóng về số lượng của các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 với vũ khí đối không, chống hạm nên Việt Nam được đánh giá cao hơn Trung Quốc trên bầu trời.
Khi Trung Quốc liên tục thực hiện ngày càng nhiều các chuyến bay trái phép đến Hoàng Sa và Trường Sa thì khả năng không quân các nước theo đó cũng sẽ tăng cường hoạt động.
Để bảo vệ các căn cứ, lực lượng phi pháp trên biển và trên các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép, Trung Quốc cần dựa vào tên lửa đất đối không. Liệu HQ-9 được triển khai ở Hoàng Sa chỉ nhằm mục đích này?
Câu trả lời là không? HQ-9, được mệnh danh S-300 của Trung Quốc, có tầm bắn lên đến 200 km, sẽ là một mối đe dọa thường trực đối với các máy bay không chỉ quân sự mà còn cả dân sự bay qua Biển Đông.
TQ đưa tên lửa đất đối không ra Hoàng Sa: Hơn cả một âm mưu!
Chuyên gia về Biển Đông từ TT An ninh Mỹ mới (CNAS)
Mira Rapp-Hooper
.
Tôi cho rằng các tên lửa đất đối không là một diễn biến nghiêm trọng. Nếu đúng là các tên lửa được triển khai thì điều này có thể nằm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm phản ứng lại các hoạt động tự do hàng hải. Nhưng tôi không nghĩ rằng đây là một cuộc triển khai hoàn toàn chưa có tiền lệ.
Mục tiêu trước mắt có thể nhằm hạn chế các hoạt động của không quân Việt Nam xung quanh Hoàng Sa, còn các máy bay Trung Quốc ngang nhiên hoạt động trái phép.
TQ đưa tên lửa đất đối không ra Hoàng Sa: Hơn cả một âm mưu!
Sơ đồ thể hiện tầm ảnh hưởng của tổ hợp HQ-9 bố trí trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam
.
Nhưng nguy hiểm hơn, Trung Quốc có thể dùng HQ-9 làm vũ khí để lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Khi đó, các hãng hàng không vì sự an toàn sẽ phải thông báo, thậm chí chịu sự điều hành của Trung Quốc khi bay qua Biển Đông và mặc nhiên bị ép buộc coi phần lớn Biển Đông là của Trung Quốc.
Biển Đông là vùng có các đường bay với mật độ bay khá cao, chiếm vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài lợi ích về kinh tế thì điều hành bay còn có đóng góp về mặt chính trị quốc phòng hết sức to lớn.
TQ đưa tên lửa đất đối không ra Hoàng Sa: Hơn cả một âm mưu!
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ
Đô đốc Harry Harris
.
Điều đó (việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không) cho thấy một dấu hiệu rõ ràng của quân sự hóa.
Cũng có nhận định cho rằng HQ-9 chỉ được triển khai tạm thời ở Hoàng Sa vì hệ thống tên lửa chỉ được đặt trên hai xe tải hạng nặng mà không ở trong công sự, cùng với đó là nguy cơ HQ-9 sẽ nhanh chóng hỏng hóc bởi tác động của hơi nước biển.
Tuy nhiên, có thể Trung Quốc cũng không quan tâm nhiều đến hiệu quả chiến đấu của HQ-9 khi triển khai ở Biển Đông.
Chỉ cần động thái đưa tên lửa đất đối không ra Hoàng Sa, Trung Quốc cũng đã đạt được đồng thời nhiều mục đích: thử nghiệm tính khả thi của HQ-9 trên Biển Đông, thăm dò phản ứng quốc tế, thể hiện thái độ của mình.
Đặc biệt là chiêu “hư hư thực thực” cũng khiến các nước khác luôn ở trạng thái phải dè chừng vì không biết còn HQ-9 trên đảo hay không, đã hỏng hóc hay vẫn sử dụng tốt?
Việc triển khai HQ-9 tạm thời hay lâu dài có thể chưa khẳng định được nhưng rõ ràng đây là một bước tiến vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc, không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam mà còn đe dọa an ninh an toàn hàng không, hàng hải quốc tế.
TQ đưa tên lửa đất đối không ra Hoàng Sa: Hơn cả một âm mưu!
Những tổ hợp tên lửa đất đối không như HQ-9 sẽ là quân bài hết sức nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông.
.
***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Theo Thế giới trẻ